Wednesday, January 20, 2010

10 CÂU NÓI BẤT HỦ CỦA BILL GATES


Trước khi về hưu vào tháng 7/2008, Bill Gates đã đưa ra 10 lời khuyên dành cho các bạn thanh niên trên con đường lập nghiệp. Biết đâu nhờ học hỏi những lời khuyên bổ ích này, một ngày nào đó bạn sẽ trở thành một Bill Gates thứ hai?


1. “Cuộc sống vốn không công bằng - Hãy tập quen dần với điều đó.”
-> Thế giới không bao giờ công bằng. Bạn biết điều này chứ? Bạn không bao giờ có thể thay đổi cả thế giới. Sự bất công luôn tồn tại trong xã hội hiện tại, vì thế hãy cố gắng thích nghi.

2. “Không ai quan tâm đến lòng tự trọng của bạn đâu. Mọi người chỉ trông đợi bạn đạt được điều gì đó trước khi bạn cảm thấy hài lòng về bản thân.”
-> Lòng tự trọng thái quá có thể sẽ gây khó khăn cho công việc của bạn. Đừng quá đề cao lòng tự trọng của mình vì điều người ta quan tâm là bạn đạt được gì, chứ không phải là lòng tự trọng.

3. “Bạn sẽ không thể kiếm được 40.000 USD/năm ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Bạn cũng không là một ông sếp lớn có điện thoại gắn trên ô tô cho đến khi bạn kiếm được hai thứ đó.”
> Thường thường, bạn không thể giàu có nếu chỉ vừa mới tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, để trở thành một nhà quản lý cấp cao, bạn cần có cả hai: bằng tốt nghiệp trung học và tiền bạc.
4. “Nếu bạn nghĩ rằng giáo viên của mình thật hắc ám thì hãy đợi đến khi bạn làm việc dưới trướng một ông chủ. Rồi bạn sẽ thấy với ông ta thì không có khái niệm nhiệm kỳ nắm quyền.”
-> Đừng than vãn rằng sếp của bạn khó tính quá. Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn bạn gặp phải đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên, thì bạn đừng nên đi làm. Đơn giản là vì nếu không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty, thì chắc chắn bạn sẽ không làm gì và nhanh chóng thất nghiệp. Và lúc này cũng sẽ không có ai giúp đỡ bạn cả.

5. “Nếu như bạn làm rối tung mọi chuyện lên thì đó không phải lỗi của bố mẹ bạn, thế nên đừng có mà ta thán về lỗi lầm của bạn, hãy rút kinh nghiệm từ chúng.”
-> Đừng quy thất bại của bạn cho định mệnh. Tất cả những gì bạn cần hiện giờ là giữ bình tĩnh và bắt đầu lại từ đầu.
6. “Trước khi bạn ra đời, bố mẹ của bạn đã chẳng "đáng chán" như bây giờ. Bố mẹ đã trả những hoá đơn của bạn, giặt giũ quần áo bạn sạch sẽ và lắng nghe bạn kể xem bạn sành điệu như thế nào. Vì vậy trước khi cằn nhằn bố mẹ điều gì thì hãy dọn dẹp buồng ngủ của bạn cho ngăn nắp đi đã.”
-> Bạn nên thể hiện lòng biết ơn của mình với bố mẹ vì đã dành phần lớn cuộc đời nuôi bạn khôn lớn. Sự “cổ lổ sĩ” của bố mẹ bạn ngày nay là cái giá họ phải trả cho sự lớn khôn của bạn.

7. “Ở trường học có thể không có người thắng kẻ thua nhưng ở trường đời thì không phải vậy. Ở một số trường học người ta còn hủy bỏ những điểm rớt và cho bạn cơ hội để bạn giành điểm cao. Trong cuộc sống thực không bao giờ có chuyện như thế đâu.”
-> Hãy tự nhủ rằng bạn luôn có thể trở thành người đứng đầu, như vậy bạn sẽ có nhiều động lực hơn để phấn đấu cho sự nghiệp của mình.

8. “Cuộc sống không được chia thành những học kỳ. Bạn cũng chẳng có mùa hè để nghỉ ngơi và rất ít ông chủ nào quan tâm và giúp bạn tìm ra cơ hội này. Hãy tự làm điều mình muốn trong thời gian nhàn rỗi của bạn.”
-> Đừng luôn ngóng chờ các ngày nghỉ lễ, nếu không bạn sẽ bị tụt hậu so với đồng nghiệp của mình. Sự tụt hậu này đồng nghĩa với sự đào thải và thất nghiệp.
9. “Truyền hình không phải là cuộc sống thực. Trong cuộc sống, người ta phải biết rời khỏi quán cà phê giải trí để đi làm việc.”
-> Ai cũng thích xem phim truyền hình. Tuy nhiên, bạn không nên xem quá nhiều vì đó không phải là cuộc sống của bạn và tư tưởng của bạn sẽ bị chúng ảnh hưởng. Cuộc sống của bạn nên do bạn quyết định.

10. “Hãy hòa nhã với những kẻ dở hơi. Ai biết được ngày sau và khi đó bạn có thể phải làm việc cho một kẻ như vậy.”
-> Bạn nên hòa nhã với mọi người. Trong cuộc sống luôn xảy ra những điều bạn không muốn chút nào. Hãy cởi mở với sếp và đừng nói xấu sau lưng họ vì nó sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn đâu.

(Trích vietnamwork.com)

Sunday, January 10, 2010

Bình bầu cuối năm: Chỉ là hư danh!!

Những tờ lịch đầu tiên cho năm mới 2010 đã được bóc ra. Đây chính là thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp tiến hành tổng kết, bình bầu các danh hiệu lao động cuối năm. Mọi người đều hoan hỉ, dẹp bỏ “thù vặt” trong năm cũ, tiến hành bình bầu lẫn nhau để thoả mãn tỷ lệ 90% hoàn thành nhiệm vụ.

Và như thế, tỉ lệ lao động giỏi luôn đẩy lên ở mức “kịch trần” là 70% như mọi năm!

Dễ dàng nhận thấy đây là một mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa bình quân, cơ hội, coi mặt đặt tên, đầy cảm tính, thích ai thì quyết lấy… của một nhóm người nhân danh tập thể. Sự xuề xoà, thiếu nghiêm túc, công, tội không rõ ràng đã biến các danh hiệu như lao động giỏi, chiến sĩ thi đua trở nên hư danh, mờ nhạt, không thực chất, nhiều khi trở thành một trò đùa cho thiên hạ.

Bình bầu, xét chọn đúng nghĩa là một động lực làm thúc đẩy năng suất lao động, khuyến khích động viên những người lao động giỏi thật sự. Chọn người giỏi để nêu gương là một việc làm cần thiết để làm đầu tàu cho doanh nghiệp, trên cơ sở đó, người lao động sẽ “tâm phục, khẩu phục” cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, nếu làm không đúng, chúng ta sẽ gặp những hậu quả khôn lường, gây tác động tiêu cực đến những người lao động chân chính. Trên thực tế, đã tồn tại không ít trường hợp thủ trưởng cơ quan dành quyền phán quyết trong việc xét duyệt các danh hiệu thi đua cuối năm, sự độc đoán, chuyên quyền này đã gây nên sự bất bình trong dư luận. Quan điểm "lấy hiệu quả công việc làm thước đo phẩm chất năng lực cán bộ" đã bị bỏ rơi, thay vào đó, là cả nể, cảm tính, hình thức, thậm chí không loại trừ cả việc mua, bán “danh hiệu thi đua” bằng nhiều hình thức. Một điều đáng chú ý, trong các Hội nghị điển hình, đôi khi, chiến sĩ thi đua tầm lãnh đạo nhiều hơn cán bộ công nhân viên vì các “chiến sĩ” thật đã chịu khó, lép vế nhường lại “suất vinh quang” cho các “chiến sĩ” lãnh đạo !

Đất nước đang cần những lao động giỏi thật sự chứ không phải cần những con người vụ lợi, tham lam cả danh lẫn tiền. Căn cứ theo các báo cáo tổng kết hàng năm của các cơ quan, doanh nghịệp, chúng ta sẽ bắt gặp một đội ngũ cán bộ công nhân viên hùng hậu, lực lượng chiến sĩ thi đua, lao động giỏi chiếm khoảng 70% ở cấp cơ sở. Với nguồn nhân lực “giỏi hơn người” này, chắc có lẽ, các chuyên gia kinh tế không cần phải “đau đầu” suy nghĩ để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm kế hoạch.

Chúng ta đồng ý với nhận xét của ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội trong kỳ họp Quốc hội vừa qua: "Theo đề án cải cách tiền lương nhiều năm trước, có tới 30 - 40% đội ngũ công chức viên chức trong khu vực hành chính sự nghiệp không đạt yêu cầu. Tỷ lệ này được cải thiện chưa? Trong đội ngũ chỉ có 1/3 làm cật lực, 1/3 "chỉ đâu đánh đó", 1/3 có mặt cho thêm đông vui, nhiều khi còn gây rối". Điều này có nghĩa rằng 2/3 cán bộ là “thiên lôi, chỉ đâu đánh đó” và ngồi cho kín chỗ để “ăn lương”. Thực tế là như vậy! Lấy đâu ra 70% lao động giỏi để bình bầu, xét duyệt và khen thưởng hàng năm.

Bình bầu, xét duyệt các danh hiệu lao động phải đi vào thực chất. Hãy lấy “hạt gạo trên sàn”, đừng lăng xê những “hạt tấm” một cách có chủ ý để đạt được mục đích cá nhân. Đối xử thiên vị, bất bình đẳng là đi ngược lại sự tiến hoá của một xã hội văn minh !

(Trương Văn Khoa, báo vnexpres.net)

Wednesday, January 6, 2010

Hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài cầu xiên

Nhân dịp báo cáo hội nghị khoa học công nghệ năm 2009 tại Phân Viện Khoa Học Công Nghệ GTVT phía Nam, các thầy và đồng nghiệp đã góp ý về hướng nghiên cứu tiếp theo của đề tài Ảnh hưởng góc xiên đến sự phân bố nội lực trong kết cấu nhịp, cụ thể như sau:
+ Phân bố dầm ngang (vuông góc);
+ Các loại dầm khác (có sườn, không sườn...);
+ Chiều rộng cầu, tỷ lệ chiều rộng và chiều dài dầm đến việc phân bố dầm ngang;
+ Liên kết gối;
+ Kiểu dầm: liên tục, liên tục nhiệt nhiều nhịp giản đơn...;
...
Nhân đây, tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến những đồng nghiệp đã đóng góp ý kiến để vấn đề trở nên sáng tỏ hơn.