Friday, September 17, 2010

Kinh nghiệm khi đóng cọc vào lớp cát chặt mịn

Đường Hồ Chí Minh có đoạn đi qua các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và huyện Củ Chi của Tp.Hồ Chí Minh, hầu hết mũi cọc đều thiết kế (cọc 45x45cm) hạ vào lớp cát chặt mịn, phương pháp hạ cọc là sử dụng phương pháp động (đóng cọc bằng búa 3.6 tấn). Qua thực tế tham gia đóng cọc lần 1, lần 2 (chối giả) và vỗ lại thì việc hạ cọc bằng phương pháp này vào lớp cát chặt mịn là rất khó khăn. Chính vì vậy, chiều dài các cọc đại trà của mố trụ của các công trình đều bị cắt ngắn so với thiết kế ít nhất là 5,0m. Điều này là một sai lầm nếu các đơn vị (Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát và Nhà thầu) chỉ căn cứ vào năng lượng đóng và độ chối trong một khoảng chiều dài nhất định hoặc một số hồi búa (100 nhát, 200 nhát,...). Đối với mũi cọc khi đóng vào lớp cát nói chung thì thường khó khăn hơn là điều đương nhiên vì bản chất của loại đất này là càng đóng càng cố kết càng chặt lại, vì vậy, chỉ tiêu độ chối trong trường hợp này không có giá trị quyết định. Khi đó, chúng ta phải xét đến một chỉ tiêu khác là tốc độ lún khi đóng cọc.
Thực tế cho thấy, mặc dù độ chối cọc và năng lượng đóng đã đạt, thậm chí độ chối là rất nhỏ (khoảng 0.7~1mm/nhát). Nhưng tốc độ lún vẫn rất lớn 10cm/2 phút (1,0m/25 phút, 2,0m/90 phút...). Điều này cho thấy rằng: cọc vẫn có khả năng đóng tiếp tục xuyên sâu vào lớp đất này, việc cắt ngắn cọc căn cứ vào độ chối trong trường hợp này là rất mạo hiểm.
Như vậy, đối với đất cát chặt mịn, ngoài việc giám sát các thông số: năng lượng búa (đều liên tục), độ chối thì cần phải theo dõi tốc độ lún trong khoảng thời gian t (không ít hơn 30 phút, đối với các cọc đóng lần đầu hoặc sau khi chối giả). Trị số tốc độ lún sẽ càng hữu ích và đáng tin cậy hơn nếu được theo dõi từ đốt cọc đầu tiên cho đến những mét cọc cuối cùng và so sánh chúng với nhau. Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào đề xuất giá trị tốc độ lún chuẩn, theo kinh nghiệm có thế lấy giá trị này là: 0,5mm/giờ.
Trên cơ sở theo dõi những giá trị này, kết hợp chúng với nhau sẽ giúp cho đơn vị quyết định chiều dài cọc đại trà một cách chính xác và đáng tin cậy hơn nhiều. Chúc các bạn thành công.

Lê Phước China, M.E


Friday, September 10, 2010

Hiểu đúng về nghề cầu đường - Bài 1: Tư vấn thiết kế

Dear all,

Tôi là một kỹ sư xây dựng cầu đường, đã công tác trong nghề hơn năm năm, chẳng biết từ bao giờ danh từ "cầu đường" lại được mọi người hiểu là giàu có. Hầu hết mọi người sau khi biết tôi là kỹ sư cầu đường đều cho rằng: tôi là người giàu có. Thật khó để thay đổi suy nghĩ của họ về chúng tôi, theo tôi hiểu, có lẽ mọi người nghĩ rằng chúng tôi nhiều tiền vì cát, đá, xi măng và thép. Trong bất cứ ngành nào cũng vậy, tiêu cực chỉ có thể tối thiểu nếu có thể chứ không thể nào hoàn toàn không có. Nhưng ngành cầu đường nói chung là rất rộng, thông thường nhất là: Ban quản lý dự án (đơn vị đầu tư), Tư vấn thiết kế (đơn vị thiết kế công trình), Tư vấn giám sát (đơn vị giám sát thi công công trình) và Nhà thầu (đơn vị thi công công trình). Ngoài ra còn nhiều đơn vị khác thuộc cơ quan nhà nước (Cục, Bộ, ...) có nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý chất lượng, tham vấn và đảm bảo những đơn vị chính yếu kia thực thi không ngoài hành lang pháp luật (qui trình, tiêu chuẩn qui định...)
Như vậy, mục tiêu của chúng tôi là thiết kế công trình trên máy tính và trình này ý tưởng của mình thông qua hồ sơ được in trên giấy, bảo vệ chúng trước những ý kiến phản biện của những đơn vị khác trên cơ sở hành lang pháp lý đã ban hành. Muốn thực hiện điều này một cách hoàn hảo, các kỹ sư phải nỗ lực phấn đấu để công trình thiết kế đạt được mục tiêu an toàn, chất lượng, sai sót là ít nhất. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thì yêu cầu của xã hội ngày càng cao thì nỗ lực này phải càng tăng gấp bội, chỉ có những ai thực sự yêu nghề mới hiểu được điều này.
Nếu như sức ép của việc nâng cao năng lực chỉ là vô hình thì sức ép về tiến độ và chất lượng là rõ rệt nhất, trong quá trình công tác, hiếm có công trình thiết kế nào mà chủ đầu tư cho phép các kỹ sư có đủ thời gian để ngẫm nghĩ thấu đáo tất cả vấn đề về nó, công trình nào cũng vội, dự án nào cũng cần phải được khởi công để phục vụ ngày lễ. . .Rất nhiều người, kể cả những kỹ sư cầu đường nghĩ rằng chúng tôi đang làm công việc đơn giản nhất, chỉ việc cắt (copy) và dán (paste) rồi cho ra đời lần lượt các công trình. Nếu ai cũng đã nghĩ như vậy thì họ đã quá lâu không làm thiết kế, tức là đã bỏ nghề hoặc dân ngoại đạo. Các công trình, tuy nhìn qua là có vẻ hao hao giống nhau nhưng lại khác biệt rất nhiều nếu đi vào làm, từ các kích thước hình học, kết cấu công trình, biện pháp xử lý. . .Chỉ một trong số đó thay đổi cũng đã là vấn đề, nhiều công trình thay đổi liên tục thì đương nhiên nhận định kia hoàn toàn sai.
Về thu nhập, cũng như những kỹ sư khác (cơ khí, điện tử,. . .) chúng tôi không khá hơn họ, thậm chí còn khó khăn hơn với các bạn mới ra trường. Với những kỹ sư lâu năm (hơn 10 năm liên tục trong nghề), thu nhập có thể dễ thở hơn một chút nhưng số lượng công trình phụ trách cũng sẽ rất nhiều, đi theo là trách nhiệm sẽ lớn theo từng chữ ký của họ. Thiết nghĩ, với những nghề khác thì điều này sẽ không hoặc ít hơn nhiều. Chính vì vậy, những người còn theo nghề tư vấn là những kỹ sư còn yêu nghề, niềm vui của họ được tạo từ thực tế thi công, là những công trình mang tầm vóc thời đại, xóa bỏ khoảng cách đôi bờ, góp phần giao thông thuận tiện hơn, xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn hoặc chỉ đơn giản là Nhà Thầu thi công giống như bản vẽ thiết kế trên máy tính, ít sai sót nhất. . .
Tóm lại, kỹ sư cầu đường có thể làm việc một trong nhiều vị trí khác nhau như đã nói ở trên, tùy mỗi người. Trong đó có chúng tôi - tư vấn thiết kế, với chúng tôi, hai từ "giàu có" là một thứ gì đó xa xỉ, đặc biệt là những người chưa được xếp vào dạng thâm niên như tôi thì còn rất lâu mới có cơ hội được mơ tới những điều xa xỉ ấy. . .